Làng chiếu Bàn Thạch là làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống được gìn giữ và lưu truyền hơn 400 năm qua. Nhắc đến ngôi làng này, chúng ta thường nhớ đến hình ảnh những chiếc chiếu đầy màu sắc. Nó được kết tinh từ mồ hôi, công sức, tâm hồn của những người thợ lành nghề muốn gửi gắm trong từng sản phẩm.
Đôi nét về Làng Chiếu Bàn Thạch
Chuyến du lịch khám phá của bạn sẽ trở nên trọn vẹn hơn khi có cơ hội đến với những làng nghề truyền thống xứ Quảng. Trong đó không thể không nhắc đến Làng chiếu Bàn Thạch. Nếu có dịp đi du lịch Hội An bạn đừng quên ghé thăm địa điểm nổi tiếng này nhé.
Vị trí Làng Chiếu Bàn Thạch Hội An
Làng chiếu Bàn Thạch tọa lạc tại thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngôi làng tựa như ốc đảo lơ lửng giữa 3 dòng sông Thu Bồn – Ly Ly – Trường Giang. Đến đây, bạn sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp giản dị qua những sợi cói nhuộm đủ màu sắc được phơi trong nắng. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc của làng nghề này nhé.
Tìm hiểu cội nguồn Làng Dệt Chiếu Bàn Thạch
Theo sử sách, trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân các vùng từ Hà Tĩnh đến Thái Nguyên di cư vào Nam, khi đến Quảng Nam thấy thiên thời địa lợi nên dừng chân khai hoang, lập nghiệp. Trong quá trình di cư, người dân các tỉnh đã mang nghề chiếu đến phát triển ở vùng đất này.
Nơi đây bạt ngàn những cánh đồng cói, đay cao ngang vai, phấp phới trong gió. Tận dụng những lợi thế vốn có của thiên nhiên nơi đây, người dân đã sử dụng cây cói và cây đay làm nguyên liệu dệt nên những tấm chiếu nổi tiếng khắp vùng. Kết hợp với vị trí thuận lợi – nằm ở nơi hợp lưu của các con sông lớn mà Bàn Thạch đã trở thành nơi giao thương nhộn nhịp sầm uất.
Làng nghề đã có lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển. Sản phẩm của làng chiếu Bàn Thạch nức tiếng gần xa, từng là vật phẩm tiến cống cho triều đình, quý tộc.
Chìm đắm khung cảnh cánh đồng cói vào mùa gặt
Cánh đồng cói được trồng ngay ngắn khi nhìn từ trên cao xuống. Phía xa xa là ruộng lúa chín sắp thu hoạch. Tất cả tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp mà khó để thấy được ở nơi nào khác.
Người thu hoạch cói tươi thường ra đồng từ rất sớm để kịp khi trời nắng. Thu hoạch cói gồm nhiều công đoạn như cắt cói tươi, chẻ cói, cắt gốc, phơi cói và buộc nên đòi hỏi có nhiều nhân công. Các hộ gia đình có thể làm giúp nhau hoặc thuê nhân công.
Mỗi vụ thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng, năng suất bình quân 1,2 – 1,6 tấn/vụ. Sau đó, người ta bắt đầu nhổ cỏ.
Sau khi chẻ, cói sẽ được phơi ngay trên ruộng. Đây là công đoạn quan trọng thường mất 4 – 5 ngày nắng.
Những “bông hoa cói” được phơi cạnh cánh đồng cói giữa ngày hè rực rỡ.
Xem thêm: Kinh nghiệm đi du lịch rừng dừa Bảy Mẫu đầy thú vị
Trải nghiệm thú vị tại Làng Chiếu cói Bàn Thạch Hội An
Làng chiếu Bàn Thạch nổi tiếng suốt bao năm qua, đến nay vẫn còn được duy trì và phát triển. Đến với làng chiếu, du khách không chỉ được trải nghiệm cuộc sống bình dị và lắng nghe câu chuyện về nghề dệt cói mà còn được hòa mình vào phiên chợ chiếu đậm bản sắc nơi đây.
Chiêm nghiệm cuộc sống tại Làng dệt chiếu Bàn Thạch
Tuy làng chiếu Bàn Thạch đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề này vẫn gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây trong suốt hơn 500 năm qua. Theo thống kê, làng Bàn Thạch có khoảng 1.356 người dân sinh sống, lúc cao điểm có hơn 700 người theo nghề dệt chiếu.
Gần 90% thu nhập của người dân nơi đây dựa vào nghề dệt và bán chiếu. Vì vậy, hầu hết già trẻ, trai gái trong làng đều tập trung vào nghề, mỗi người mỗi việc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản phẩm chiếu cói khó bán, giá thành rẻ, người dân chuyển nghề, không ít người đã “giã từ” nghề truyền thống này.
Xem thêm: Du lịch Cù Lao Chàm 1 ngày giá rẻ
Lắng nghe câu chuyện dệt chiếu cói từ xa xưa
Chiếu cói từng là cống vật của triều đình và các quan lại thời xưa. Ngày nay, sản phẩm được dùng trong các lễ hội lớn tổ chức hàng năm như Ấn tượng Mỹ Sơn, Festival Huế hay Lễ hội bà Thu Bồn…
Chiếu Bàn Thạch thường khá bền, được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề. Để có được 1 chiếc chiếu theo yêu cầu đặc biệt của khách hàng, các nghệ nhân tại đây sẽ phải trải qua 4 công đoạn chính để tạo ra được sản phẩm như ý.
Bước 1: Thu hoạch và phơi khô cói
- Hái cói ngoài bãi và gánh về nhà.
- Cẩn thận chẻ cói thành những sợi nhỏ.
- Phơi dưới nắng nóng trong 4-5 ngày liên tiếp (Lưu ý phơi nhưng không để sợi cói quá khô).
Bước 2: Nhuộm cói
- Sau khi phơi khô, ta đem nhuộm các màu: đỏ, tím, xanh, vàng… (Để nhuộm được đều, không nhanh phai màu thì phải nhúng từng chùm nhỏ, có thể nhúng 2-3 lần hoặc nhiều hơn tùy độ đậm nhạt).
- Sau khi nhuộm, cói được phơi nắng thêm 1 lần nữa (không nên phơi nắng quá to → dễ bị giòn, nắng quá mềm dễ bị mốc).
- Các sợi cói không chắp nối, dai sẽ cho ra tấm chiếu mịn.
Bước 3: Dệt cói
- Để dệt được một chiếc chiếu, cần phải làm khổ, chuẩn bị thoi dệt và hai người làm.
- Người thứ nhất cầm khổ, người thứ hai cầm thoi. Tùy theo hoa văn mà người thợ dệt sẽ điều khiển khung cửi chạm nổi âm dương.
Bước 4: Thành phẩm
Sau khi dệt xong, chiếu được cắt tỉa gọn gàng cho không bị xổ, sau đó đem phơi nắng rồi bán.
Tham quan phiên chợ chiếu Bàn Thạch
Bên cạnh việc khám phá quy trình làm chiếu thủ công, khi đến làng chiếu Bàn Thạch, bạn đừng quên trải nghiệm chợ chiếu địa phương. Đây cũng là điểm độc đáo khiến du khách thích thú khi đến thăm Bàn Thạch.
Chợ phiên ở đây họp từ rất sớm, từ 4-5 giờ sáng, không khí vô cùng nhộn nhịp và náo nhiệt. Đến chợ Bàn Thạch, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công với nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ.
Kết luận
Nếu có dịp đến phố cổ Hội An, hãy một lần ghé thăm làng chiếu Bàn Thạch để hiểu hơn về nghề làm chiếu lâu đời và tận hưởng những trải nghiệm mới lạ tại cùng đất này. Để hành trình khám phá xứ Quảng được trọn vẹn nhất, du khách có thể tham quan một số địa điểm nổi tiếng khác như: Làng lụa Hội An, Đảo Lý Sơn… Chúc bạn và gia đình có một kỳ nghĩ dưỡng thật vui vẻ!